Thủ tục bảo hộ nhãn hiệu

Hiện nay, vấn đề sở hữu độc quyền đối với nhãn hiệu mang lại rất nhiều lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp hoặc cá nhân sở hữu nó. Do đó, PW AND PARTNERS phân tích và cung cấp một số thông tin khía cạnh pháp lý liên quan về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở Việt Nam đến quý khách hàng nhằm giải đáp một số thắc mắc.

1. Điều kiện để nhãn hiệu được bảo hộ

Căn cứ Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ như sau:

“Điều 72. Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;

2. Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.”

Như vậy, nhãn hiệu được bảo hộ khi đáp ứng các điều kiện:

– Có dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;

– Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

2. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ

Căn cứ Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về hiệu lực của văn bằng bảo hộ như sau:

– Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

– Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.

– Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.

– Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.

– Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:

+ Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;

+ Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;

+ Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

– Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

– Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

Theo đó, việc bảo hộ nhãn hiệu sẽ được tính từ ngày nộp đơn theo khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

3. Hồ sơ đăng kí sở hữu trí tuệ

– Tờ khai đăng ký theo mẫu;

– Tài liệu, mẫu vật, thông tin nhãn hiệu: Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

+ Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.

+ Hàng hoá, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Thoả ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hoá và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố.

– Với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận phải kèm theo quy chế sử dụng.

+ Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);

– Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).

– Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

– Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;

– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;

– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên

+ Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;

+ Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.

– Chứng từ nộp phí, lệ phí. Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

Đơn đăng ký và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước phải được làm bằng tiếng Việt trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu: Giấy uỷ quyền; Tài liệu chứng minh quyền đăng ký; Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên; Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

Trên đây là những chia sẻ của PW AND PARTNERS về các vấn đề liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu. Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây của PW AND PARTNERS sẽ giúp doanh nghiệp có thêm những thông tin bổ ích. Mọi nhu cầu tư vấn chi tiết và cụ thể hơn, xin vui lòng liên hệ với PW AND PARTNERS để nhân được tư vấn tốt nhất.